A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ mất an toàn từ những công trình cao tầng xây dựng ven đường

 

“An toàn là trên hết” là khẩu hiệu thường thấy tại các công trình xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động trên các công trình xây dựng thường không như khẩu hiệu, nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy có không ít người lao động và chủ sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động (ATLĐ), bảo hộ lao động khi thi công.

Dạo một vòng quanh các đường phố trên địa bàn thành phố Kon Tum chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các tòa nhà cao tầng được xây dựng ven đường giao thông, tại các công trình xây dựng này không khó để nhận thấy hình ảnh những giàn giáo lắp ghép tạm bợ hay hình ảnh công nhân vắt vẻo làm việc trên cao mà không có thiết bị bảo hộ an toàn; các công trình này không hề có lưới bảo vệ, che chắn, ngăn chặn vật liệu rơi ra đường, bên dưới đường thì các phương tiện lưu thông qua lại tấp nập gây bức xúc cho nhiều hộ dân sống gần những ngôi nhà này đặc biệt gây bất an cho người tham gia giao thông khi qua lại các công trình này, đây là một thực trạng đáng báo động cần phải được ngăn chặn kịp thời nhằm hạn chế những vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra.

Công trình xây dựng sát đường đi nhưng không có lưới bảo hộ che chắn

Theo quy định, đối với những công trình xây dựng cao tầng phải được trang bị giàn giáo vững chắc với đầy đủ các thiết bị như thang, chòi nâng, sàn treo, lưới bảo hộ… Công nhân làm việc trên cao phải được trang bị và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc như: dây an toàn, quần áo, giày, mũ bảo hộ… Thế nhưng, trên thực tế rất ít công trình đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn trên. Thậm chí, tại một số công trình xây dựng, giàn giáo đã han rỉ, lỏng lẻo hoặc giàn giáo chỉ làm đơn giản bằng dăm ba cọc gỗ, vài tấm ván ghép lại với nhau chênh vênh, tạm bợ để công nhân có thể làm việc trên độ cao hàng chục mét trong hàng giờ đồng hồ với lỉnh kỉnh xô chậu, gạch, đá mà không có bất cứ một thiết bị bảo hộ nào, hay chí ít là một sợi dây cột vào người để đề phòng tai nạn.

Giàn giáo được lắp ghép tạm bợ từ nhiều miếng gỗ lại với nhau

Sự rủi ro, nguy hiểm trên các công trình xây dựng cao tầng tưởng như có lẽ ai cũng rõ. Tuy nhiên, vì công việc mưu sinh cộng với tâm lý chủ quan, những người công nhân dường như cố tình không hiểu rằng tính mạng của họ có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào bởi những tai nạn bất ngờ. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, trên toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động làm 9.173 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng.

 

Nguy cơ mất an toàn khi người dân tập trung buôn bán cạnh các công trình

Theo quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 97 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì:

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.


Hồng Khanh