A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHẬN DIỆN MỘT SỐ BIỂU HIỆN CỦA TÌNH TRẠNG NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY, LÀM VIỆC CẦM CHỪNG, SỢ TRÁCH NHIỆM KHÔNG DÁM LÀM CỦA MỘT BỘ PHẬN CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Đảng là đội tiên phong soi đường cho dân tộc Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Đảng phải luôn gương mẫu trong từng suy nghĩ, hành động để dân noi theo. Vì thế vai trò, nhiệm vụ của đảng viên là rất to lớn. Thế nhưng vì một số nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, có thể chỉ ra một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, một số tập thể, tổ chức đảng không phát huy được vai trò, suy yếu hoặc vi phạm các nguyên tắc, quy định của Đảng; một phận cánbộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

- Công tác nắm tình hình, giáo dục chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức hoặc kém hiệu quả gắn với việc tổ chức học tập, chủ trương, đường lối của Đảng chưa thật sự nghiêm túc, chưa đạt được tính khoa học, tính cách mạng sáng tạo cao, khiến cho việc học tập, quán triệt ở nhiều tổ chức đảng trở nên hình thức, qua loa, đại khái; cùng với sự tác động liên tục, thường xuyên bởi các yếu tố tiêu cực đến từ hoàn cảnh xã hội, từ các thế lực thù địch và từ các nguồn thông tin độc hại, thiếu kiểm chứng dẫn đến không ít cán bộ, đảng viên dao động, hoài nghi, giảm sút niềm, phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy giảm ý chí chiến đấu, mất động lực phấn đấu.

- Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng bị xem nhẹ, để xảy ra tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ hoặc đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; công tác tổ chức, quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng, thao túng dẫn đến việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực hoặc để chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... 

- Số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối, nặng tính thực dụng, thiếu tu dưỡng rèn luyện thường xuyên nên ý thức giác ngộ, lập trường giai cấp phai nhạt; mang nặng tư tưởng hưởng thụ, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể hoặc sa vào các tệ nạn xã hội, đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Đối với cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn dễ xuất hiện “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả.

Thứ hai, biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất phát phần lớn từ ý thức chủ quan do tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm (vì không mang lại lợi ích cho bản thân) hoặc do thiếu năng lực thực sự.

- Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi còn chưa đúng mức;chưa thể hiện được đầy đủ vai trò nêu gương, đi đầu, dẫn dắt tập thể, tổ chức thực hiện những công việc khó khăn, mang tính đột phá hay những công việc còn có vướng mắc đòi hỏi sự quyết tâm cao lẫn sự rủi ro. Người đứng đầu còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, giao cho cấp phó, cán bộ cấp dưới xử lý thay những vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt hoặc ỷ lại, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

- Vai trò của một số cán bộ, đảng viên không chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách; tham mưu lòng vòng, không rõ quan điểm, chính kiến, không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm đối với công việc được giao; không phân định trách nhiệm trong phối hợp hoặc phối hợp không có hiệu quả với các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hình thành một bộ phận cán bộ núp bóng, không vì lợi ích chung, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện thờ ơ, vô cảm với trách nhiệm được giao và trách nhiệm với nhân dân, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng lên. Trong khi đó, người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị hiểu sai, thậm chí rất dễ bị quy chụp và xử lý trách nhiệm.

- Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ chưa thật sự quyết liệt. Không chủ động dự báo tình hình, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; không hướng dẫn cụ thể, không trả lời hoặc trả lời không rõ quan điểm, chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền khi được hỏi hoặc xin ý kiến.

Thứ ba, một số văn bản quy định, hướng dẫn hiện hành còn thiếu tính ổn định, chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ. 

Tình trạng các văn bản quy định, hướng dẫn của cấp trên thường xuyên thay đổi, một số nội dung quy định không cụ thể, không rõ ràng, chưa bao quát hết các tình huống xảy ra trong thực tế, tình trạng chồng chéo trong áp dụng dẫn đến vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Khi có vướng mắc, cần tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn cấp trên hầu hết chỉ được hướng dẫn làm theo quy định. Ngoài ra, một số vấn đề mang tính lịch sử, trải qua nhiều giai đoạn, thế hệ lãnh đạo và với sự thay đổi của hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn dẫn đến việc những vụ việc, tồn đọng không thể giải quyết một cách thoả đáng hoặc nếu giải quyết thiếu căn cứ, không theo quy định sẽ tạo những tiền lệ xấu trong tương lai; từ đó dẫn đến tâm ý e ngại, không dám làm của không ít cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tập thể, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ tư, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật đã khiến cho cán bộ thực thi công vụ, kể cả những người đứng đầu có tâm lý và thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”, lo lắng, băn khoăn, thận trọng khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Để giải quyết, ngăn chặn tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, 

​Thứ nhất, cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, tăng cường tự soi, tự sửa. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có nhận thức chính trị đúng với sự hiểu biết về đường lối, quan điểm chính trị, nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; kiên định, tin tưởng mục tiêu do Đảng đề ra, không hoang mang dao động, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước, vào mục đích, lý tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; có ý chí cách mạng và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tăng cường tự soi, tự sửa, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng. 

​Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước: Cần tập trung rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn, đảm bảo được tính thống nhất, chặt chẽ; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân và phải được cụ thể hóa thành luật. Việc hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để khắc phục tình trạng đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, vướng là “đẩy lên trên” hoặc “đẩy xuống dưới” như hiện nay.

​Thứ ba, đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, đảng viên gắn với kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và thực hiện tốt khen thưởng, kỷ luật: Đánh giá đúng, công tâm, khách quan sẽ khơi dậy sự chủ động, sáng tạo trong công việc, kiên quyết thực hiện dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình, khắc phục được “bệnh sợ trách nhiệm”, vươn lên hoàn thành tốt trách nhiệm công vụ được giao, tránh tình trạng chọn việc nhẹ, việc dễ mà đùn đẩy việc khó cho người khác, cho tập thể. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện linh hoạt các phương pháp kiểm tra, giám sát trực tiếp và hình thức kiểm tra cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra đột xuất, kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển đối với cán bộ, đảng viên có năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc là khen thưởng đúng người, đúng thành tích và đúng lúc; kỷ luật đúng người, đúng mức độ vi phạm, đúng quy định của Đảng, của pháp luật. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua một cách thực chất, không phô trương hình thức, khắc phục bệnh thành tích cũng là cách khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” hiện nay.  

​Thứ tư, tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị theo đúng vị trí việc làm, phù hợp với điềukiện cơ sở vật chất và trình độ năng lực của cán bộ, đảng viiên nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, đổi mới chế độ chính sách lương thưởng, đãi ngộ để chính bản thân cán bộ, đảng viên không cần, không muốn phải tham ô, tham nhũng, trục lợi, tư lợi; đồng thời có chế tài cụ thể, rõ ràng để xử lý nghiêm minh những trường hợp cán bộ có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên, lên trước lợi ích của tập thể; vì lợi riêng mà né tránh trách nhiệm, không tích cực thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, bê trễ công việc, đùn đẩy trách nhiệm.


Tác giả: Phan Tiên
Tin liên quan