A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Thông tư số 02 của Bộ Công an quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân

Để đáp ứng yêu cầu công tác và kịp thời triển khai các văn bản QPPL đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) biết, thực hiện; vừa qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Kon Tum đã triển khai Thông tư số 02/2023/TT-BCA quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân tại đơn vị.

 

Toàn thể CBCS Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia buổi phổ biến, quán triệt Thông tư 02/2023/TT-BCA

Thông tư số 02/2023/TT-BCA được Bộ Công an ban hành ngày 13/1/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 03/3/2023.

Thông tư gồm 04 chương, 14 điều quy định về đối tượng, hình thức, nội dung, địa điểm, chương trình, thời gian huấn luyện, cán bộ làm công tác huấn luyện, trường hợp miễn, hoãn huấn luyện, tổ chức huấn luyện, kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Thông tư còn quy định nội dung huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân, bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lý thuyết về kỹ thuật cá nhân; chiến thuật, kỹ thuật; đội hình chữa cháy, đội hình cứu nạn, cứu hộ; phương án chữa cháy, phương án cứu, nạn cứu hộ; quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lý thuyết về công tác chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hành huấn luyện thể lực; thực hành kỹ thuật cá nhân về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hành đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hành kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hành thao tác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ túc tay lái cho lái xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ; công tác sửa chữa phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Địa điểm huấn luyện được quy định: Huấn luyện thường xuyên được thực hiện tại địa điểm, trụ sở của đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH; huấn luyện định kỳ được thực hiện tập trung tại trung tâm huấn luyện hoặc địa điểm, trụ sở của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an tỉnh; huấn luyện nâng cao được thực hiện tại trung tâm huấn luyện của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an.

Ngoài ra, quy định cán bộ huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là người có trình độ trung cấp phòng cháy, chữa cháy và cứu, nạn cứu hộ trở lên và có một trong các tiêu chuẩn: Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm công tác nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn về nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; là giảng viên hoặc lãnh đạo khoa chuyên ngành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc Trường Đại học PCCC; có ít nhất 03 năm kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc chỉ huy cấp đội và tương đương trở lên thuộc Công an cấp tỉnh.

Chương trình, thời gian, các trường hợp được miễn, hoãn huấn luyện, tổ chức kiểm tra, đánh giá huấn luyện nghiệp vụ được quy định rõ từ Điều 8 Điều 12 của Thông tư này.

Trong quá trình triển khai Thông tư, lãnh đạo đơn vị đã nhấn mạnh và làm rõ bằng những dẫn chứng thực tế để CBCS thực sự nắm chắc và vận dụng linh hoạt vào công tác huấn luyện. Qua đó, CBCS đã học tập nghiêm túc, có hiệu quả nội dung Thông tư, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm công tác trong thời gian tới.

 


Tác giả: Công Hùng
Tin liên quan